ẨM IC là gì?
Thị trường bi giờ nhiều loại máy móc hay thật, ví dụ như cái máy hút ẩm
Cách nay ngót hai chục năm, trong câu chuyện của giới trẻ thường có câu “ẩm IC”. Chỉ cần nói thằng nọ, con kia bị “ẩm IC” là thiên hạ đã hiểu được vấn đề.
Gốc gác sâu xa của chữ này xuất phát từ lĩnh vực kỹ thuật.
Thời đó mới mở cửa, nước mình còn nghèo, đồ điện máy trên thị trường đa số là hàng “nghĩa địa”. Từ TV, đầu máy, cát-sét tới tủ lạnh, máy giặt, đồng hồ điện tử…hầu hết là “Made in Bãi rác” - được thu gom từ các kho phế thải xứ Đài Loan, Nhật Bổn.
Về VN, chúng được mông móa, tân trang, chỉnh chọt sơ sơ rồi đưa ngay vào danh sách hoa hậu. Nhà nào gom góp được vài chỉ vàng để rước về một em TV màu chuyển hệ là danh tiếng nổi như cồn. Nếu còn kèm thêm một ông đầu máy Video nội địa nữa thì thôi rồi, chắc chắn nhà đó là đại gia, không cần bàn cãi.
Khỏi cần phải kể, các bạn cũng biết là các sản phẩm công nghệ này luôn được o bế, lau chùi sạch bóng và đặt trong các loại tủ chuyên dụng cầu kỳ, kín mít, có khóa chắc chắn (Các loại tủ này hiện nay đã tuyệt chủng). Vậy mà chúng cứ chập chờn. Cái TV nhà mình, tiếng là TV màu nhưng khi xem bóng đá quốc tế vẫn chịu, không phân biệt được hai đội. Cầu thủ chạy tới giữa sân rồi mà mầu đỏ của cái quần đùi còn lơ lửng ở vòng cấm địa!
Đưa đi sửa thì hầu hết các trường hợp được thợ phán: “ẩm IC”. IC là cái mạch tích hợp, là đầu não của các các thiết bị điện tử. Hồi đó IC mới xuất hiện, chúng được sản xuất ở các nước ôn đới khô ráo nên khi đưa về VN chịu khí hậu ẩm ướt là giở chứng. Máy móc bị “Ẩm IC” rất khó chịu, hoạt động ngẫu hứng, dở dở ương ương, lúc được lúc mất, trời nắng thì chạy ro ro, trời mưa thì tịt. Bắt đền thì người bán cũng không xong vì nó đâu có hỏng hẳn, cũng chẳng phải lỗi của ai, cuối cùng đành hòa cả làng, chung quy là tại “cái nước mình nó ẩm”.
Không hiểu cái bệnh “ẩm IC” có lây truyền từ máy sang người? hay cũng tại “cái nước mình nó ẩm” mà trong đời sống thời đó cũng xuất hiện nhiều nhân vật hơi khác thường, hành vi ẩm ương rất khó kiểm soát, rõ ràng đầu óc có vấn đề nhưng không thể giải thích. Thiên hạ bao quát những người này là “chập mạch”, “chập cheng” hay “ẩm IC” (Đôi khi nói chệch đi là hội chứng AIC).
Bản thân chỗ mình cũng có một ông em đã yêu cầu cơ quan phải họp để biểu quyết xem cậu ta có “ẩm IC” hay không? tất nhiên là 100% cơ quan đồng thanh biểu quyết là IC cậu ta không hề ẩm mà rất khô, thậm chí còn “âm ấm”. Được vậy cậu em mới yên tâm (dù “ẩm IC” và “ấm đầu” cũng chẳng khác nhau là mấy).
Bây giờ nghĩ lại mới thấy ngôn ngữ dân gian quả là thâm thúy, về khía cạnh nào đó, con người cũng như cỗ máy, cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết. Trời mà mưa gió ẩm ướt thì ông người thế nào chẳng đau ốm, mệt mỏi, IC của ông người thế nào chẳng hơi âm ẩm, từ đó sinh ra khó chịu, thất thường, “sớm nắng chiều mưa”, để lâu là thành tật.
Xã hội ngày càng tiến bộ, những hàng hóa “nghĩa địa” ngày xưa đã không còn. Môi trường sống của con người cũng được cải thiện. “Cái nước mình thì nó vẫn ẩm”, nhưng với những thiết bị hiện đại, độ ẩm không còn là bất trị. IC của máy móc và IC của người ta cũng mạnh khỏe hơn, thành ngữ “ẩm IC” vì thế mà không phổ biến nữa. Tuy nhiên hiện tượng “ẩm IC” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, thì đây đó vẫn còn, nếu ta không quan tâm đến nó.
Vì vậy, xin kể lại chuyện một thời chưa xa, để các bạn trẻ biết “ẩm IC” là gì.